Nhóm nghiên cứu Đề tài: "Tác Động Của Chính Sách Thủy Sản Lên Sinh Kế Của Ngư Dân: Trường Hợp Nghiên Cứu Sinh Kế Của Dân Tại Một Xã Ven Biển", tài nguyên thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong sinh kế của những ngư dân ven biển vì thu nhập từ hoạt động đánh bắt chiếm một phần rất lớn trong cơ cấu thu nhập của ngư dân. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức và sư suy kiệt của các nguồn tài nguyên thủy sản do việc gia tăng dân số cùng với sử dụng những phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt là vấn đề đáng báo động tại Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chính sách thủy sản với mục tiêu bảo tồn và phát triển tài nguyên thủy sản để bảo tồn sinh kế bền vững của ngư dân. Nội dung chủ yếu của chính sách này là hạn chế việc đánh bắt gần bờ và khuyến khích đánh bắt xa bờ để bảo tồn và phát triển tài nguyên thủy sản. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu thực trạng sinh kế hiện nay của ngư dân ven biển và những tác động của chính sách đối với sinh kế của ngư dân. Để đạt được mục tiêu này, đề tài đã được tiến hành trên địa bàn một xã ven biển thuộc miền Nam Việt Nam. Phương pháp thu thập số liệu bao gồm điều tra mẫu 100 ngư hộ kết hợp với các phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA) như: thảo luận nhóm, sử các bảng câu hỏi chuẩn bị trước, hoặc các cấu hỏi mở. Bên cạnh đó, đề tài cũng tham khảo các liệu khác có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy tài nguyên thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong sinh kế của người dân tại khu vực nghiên cứu. Mặc dù sản lượng đánh bắt hiện nay cao hơn trước năm 2004 nhưng tài nguyên thủy sản vẫn đang trong tình trạng bị suy kiệt do sự gia tăng dân số và việc sử dụng những phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách thủy sản hầu như không có bất kỳ sự tác động nào lên sinh kế của ngư dân tại địa bàn nghiên cứu do sư thất bại hoàn toàn của chính sách này khi triển khai vào thực tế. Hiện nay, ngư dân vẫn sử dụng những tàu thuyền và các phương tiện đánh bắt giống như thời điểm trước khi có chính sách này để tiến hành các hoạt động đánh bắt mặc dù cũng có những gia tăng trong số lượng tàu thuyền và công suất máy. Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của chính sách là do việc không tuân theo những quy định trong chính sách của ngư dân do nhiều yếu tố khác nhau như: điều kiện kinh tế, sự không tương thích giữa những quy định trong chính sách và thực tiễn, việc thực thi yếu kém của hệ thống quản lý thủy sản, sự gia tăng dân số và số lượng ghe thuyền…Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự thất bại của chính sách thủy sản khi triển khai vào thực tế là do các nguyên nhân khác như: không có sự liên kết tốt giữa người dân và chính quyền địa phương, sự mâu thuẩn trong mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên thủy sản của địa phương. Ngoài ra, sự thất bại của chính sách còn do nhà nước không có khả năng hỗ trợ người dân đánh bắt xa bờ, tạo việc làm khác cho người dân ngoài việc đánh bắt; trình độ và khả năng nhận thức của người dân và do các đặc điểm về điều kiện tự nhiên tại địa phương (thiếu đất, thiếu nước, biển bãi ngang sóng lớn nên không thuận tiện cho việc nuôi trồng thủy sản). Theo ý kiến của người dân địa phương và các cán bộ quản lý thủy sản ở địa phương, việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên thủy sản theo chính sách là vấn đề rất khó khăn do trình độ và nhận thức thấp của ngư dân. Vì vậy, việc cân đối hoài hòa giữa mục tiêu phát triển sinh kế bền vững và bảo tồn tài nguyên thủy sản vẫn là một thách thức lớn cho nhà nước. Từ khóa: Chính sách thủy sản, luật thủy sản, ngư dân, sinh kế, và tác động. |
Số lần xem trang: 2586
Nhập ngày: 26-08-2021
Điều chỉnh lần cuối: 26-08-2021