Khoa Kinh tế, trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM  hiện nay tiền thân là Khoa Kinh tế Nông Lâm trước đây. Vào năm 1985, Khoa Kinh tế Nông Lâm được hình thành sau kết quả sáp nhập giữa hai đơn vị có liên quan, đó là Khoa Kinh tế Nông Nghiệp – Trường Đại học Nông Lâm Súc (sau này cũng có tên là Trường Đại học Nông Nghiệp 4, trước khi đổi tên thành trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM) và Khoa Kinh tế Lâm nghiệp – trường Cao đẳng Lâm Nghiệp Đồng Nai. Trước khi sáp nhập, cả hai Khoa Kinh tế Nông Nghiệp và Kinh tế Lâm Nghiệp điều được thành lập vào năm 1978, theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp vào những ngày đầu sau thống nhất của đất nước.

Đến nay, trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển Khoa Kinh tế đã và đang cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn lao động có chất lượng, đa dạng về chuyên ngành đào tạo, hệ đào tạo và cả bậc đào tạo. Về chuyên ngành đào tạo, Khoa Kinh tế hiện đang triển khai đào tạo 9 chuyên ngành khác nhau ở bậc cử nhân. Về hệ đào tạo, hiện nay Khoa chỉ còn đào tạo hệ chính quy sau khi hệ vừa học vừa làm đã kết thúc vào năm 2011. Về các bậc học, ngoài bậc cử nhân có truyền thống từ năm 1978, bậc thạc sĩ và tiến sĩ cũng hiện đang được chiêu sinh và đào tạo tại Khoa Kinh tế. Mỗi ngành học mới, mỗi bậc học mới là mỗi bước phát triển của Khoa Kinh tế nói riêng và của trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM nói chung theo dòng thời gian.

Năm 2000 đánh dấu thời kỳ mở rộng phạm vi đào tạo của trường bằng việc thực hiện chủ trương đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, chuyển đổi trường Đại học Nông Lâm vốn là một trường chuyên ngành (Specialized university) cho lĩnh vực nông nghiệp thành một trường đa ngành nghề, đa lãnh vực (Comprehensive university). Không nằm ngoài xu thế đó, Khoa Kinh tế đã mở rộng lãnh vực đào tạo của mình bằng cách xây dựng và đào tạo thêm các chuyên ngành đáp ứng nhu cầu của xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ lúc đó. Cụ thể, ở bậc đại học, Khoa đã lần lượt xây dựng và phát triển nhiều ngành đào tạo mới gồm: Phát triển nông thôn (2000); Quản trị Kinh doanh (Tổng hợp)Kế toán (2001); Kinh tế Tài nguyên môi trường (2004);Quản trị Kinh doanh thương mại (2005), Kinh doanh Nông nghiệp (2006), Quản trị Tài chính(2008) và Quản trị Kinh doanh (Chất lượng cao) (2017). Trong những năm gần đây, hàng năm các chuyên ngành này đã thu hút khoảng 700 sinh viên đăng ký nhập học.

Bên cạnh việc mở rộng ngành nghề đào tạo bậc đại học, Khoa cũng chú trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo sau đại học chuyên sâu nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Vào năm 2000, Khoa đã xây dựng và bắt đầu tào tạo khóa đầu tiên của chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, một trong những chương trình đào tạo Thạc sỹ Kinh tế Nông nghiệp đầu tiên của cả nước. Và sau đó, chương trình Tiến sỹ Kinh tế Nông nghiệp (2015) và chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý Kinh tế (2017) là các bước nối dài trong tiến trình lịch sử phát triển của Khoa Kinh tế về bậc đào tạo. Hiện nay, các chương trình sau đại học của Khoa Kinh tế có hàng trăm học viên đang theo học.  

Cùng với sự phát triển của hoạt động đào tạo và sự tăng dần về quy mô sinh viên, lực lượng nhân sự của Khoa cũng không ngừng được mở rộng và nâng cao trình độ. Bắt đầu với 07 giảng viên kể từ ngày thành lập khoa, đến nay số lượng cán bộ viên chức của khoa cũng đã lên tới hơn 50 người, với 100 % giảng viên hiện nay có học vị từ thạc sỹ trở lên, trong đó có 9 giảng viên có học vị tiến sỹ. Phần lớn các giảng viên trong Khoa được đào tạo từ nước ngoài như: Úc, Mỹ, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan...

Trong tương lai, Khoa Kinh tế sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển thêm các chương trình đào tạo mới mà xã hội có nhu cầu ở cả bậc đại học và sau đại học. Đồng thời, Khoa cũng sẽ chú trọng phát triển lực lượng giảng viên theo hướng đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng. Tất cả sự thay đổi và bước phát triển tiếp theo của Khoa đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao phục vụ đất nước trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. 

          Sơ đồ tóm tắt Quá trình phát triển Khoa

Số lần xem trang: 2665
Nhập ngày: 17-05-2021
Điều chỉnh lần cuối: 02-08-2021

Giới thiệu / Lịch sử Phát triển

/html>