Nhóm nghiên cứu: Hoàng Hà Anh; Email: hoanghaanh@hcmuaf.edu.vn Đề tài này được thực hiện nhằm phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới biện pháp phòng dịch truyền nhiễm trong chăn nuôi heo, lấy trường hợp nghiên cứu là dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Đồng Nai. Thông qua số liệu điều tra 183 hộ chăn nuôi và sử dụng khung phân tích KAP cùng mô hình hồi quy nhị thức âm, kết quả cho thấy trung bình mỗi hộ nuôi heo đã thực hiện gần 08 biện pháp phòng dịch, trong đó có hộ chỉ thực hiện duy nhất 01 biện pháp và hộ thực hiện nhiều nhất là 14 biện pháp. Về mặt phân phối, có 17% số hộ thực hiện 11 biện pháp phòng dịch, 13% thực hiện 10 biện pháp và tới 15% chỉ thực hiện 03 biện pháp. Các mức độ còn lại có tỷ lệ hộ thực hiện ít hơn 10%. Theo kết quả thống kê, hơn 40% số hộ được khảo sát đã thực hiện trên 10 biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo khỏi bị lây nhiễm, qua đó phản ánh sự tích cực của các nông hộ trong công tác phòng dịch. Kết quả ước lượng của mô hình cho thấy các biến có ý nghĩa thống kê là: chỉ số kiến thức, chỉ số thái độ và khoảng cách tới trại heo gần nhất (tại mức ý nghĩa 5%); các biến kinh nghiệm phòng dịch, diện tích trại heo và trại hỗn hợp (tại mức ý nghĩa 10%). Trong đó, các biến diện tích và kiến thức có tác động mạnh đến số biện pháp phòng dịch được thực hiện. Căn cứ vào kết quả của số liệu điều tra và kết quả ước lượng mô hình hồi quy, đề tài đã tổng hợp và đề xuất 3 nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động phòng dịch và nâng cao số biện pháp an toàn sinh học mà các nông hộ có thể thực hiện. Thứ nhất là tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng, nâng cao kiến thức và sự quan tâm của người chăn nuôi. Thứ hai là nâng cao mức hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi và hỗ trợ chi phí phòng dịch. Thứ ba là quy hoạch chăn nuôi heo hướng tới quy mô lớn, đảm bảo an toàn sinh học. |
Số lần xem trang: 2446
Nhập ngày: 03-08-2021
Điều chỉnh lần cuối: